Xa lộ Hà Nội sẽ giảm mạnh xe, khu Đông được ‘chắp thêm cánh’

Xa lộ Hà Nội sẽ giảm mạnh xe, khu Đông được ‘chắp thêm cánh’

Khi có đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu nối vào đường Vành đai 3, trục Xa lộ Hà Nội – Võ Nguyên Giáp sẽ thông thoáng bởi xe trọng tải lớn, xe container di chuyển thẳng từ cảng Cát Lái lên đường Vành đai 3.

Sẽ mở mới đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu nối thẳng vào đường Vành đai 3

Hiện tại Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu kết nối Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tổng mức đầu tư dự án này hơn 8.700 tỉ đồngdự kiến đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) trả chậm bằng ngân sách theo cơ chế trong Nghị quyết 98 của Quốc hội. Dự kiến vốn ngân sách TP.HCM tham gia đầu tư dự án khoảng 50% (khoảng 4.359 tỉ đồng), còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.

Với vai trò tuyến đường cửa ngõ huyết mạch giao thương giữa 3 tỉnh TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai, Xa Lộ Hà Nội đang “gánh” lượng lớn phương tiện giao thông vận tải hàng hóa di chuyển mỗi ngày từ các tỉnh thành với cảng Tân Cảng – Cát Lái.

Nút giao Tân Vạn – Xa Lộ Hà Nội điều hướng cho xe trọng tải lớn đi từ cao tốc Tân Vạn, Vành Đai 3 hướng về cảng Tân Cảng Cát Lái

Cảng Tân Cảng – Cát Lái (cảng Cát Lái) nằm trên sông Đồng Nai thuộc khu Đông Bắc của TP.HCM, là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thế giới. Cảng Cát Lái đang có sản lượng hàng hóa chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và gần 50% của cả nước. Tuy vậy, đường vào cảng hiện chỉ có 2 tuyến là Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định. Mỗi ngày, đoạn đường này cõng khoảng 20.000 ô tô tải trọng lớn ra vào, khiến cho tuyến đường Xa lộ Hà Nội luôn dày đặc các phương tiện xe Container và xe trọng tải lớn.

Vậy nên, việc đầu tư tuyến đường chuyên dụng để vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái để thúc đẩy khu Đông phát triển, cũng như giải quyết tháo gỡ bài toán điểm nghẽn giao thông cho tuyến đường độc đạo, huyết mạch – Xa lộ Hà Nội. Đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu với đường Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 6km, rộng 60m, có 12 làn xe, vận tốc thiết kế là 60km/giờ, được bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, đến đường Nguyễn Thị Tư rồi qua các rạch Bà Cua, Ông Nhiêu, kết thúc tại nút giao đường Vành đai 3 và nối lên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo Sở GTVT, phương án kết nối và dạng nút giao tuyến đường trên đã được Bộ GTVT và UBND TP.HCM thống nhất. Trong Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 đang được Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới cũng đã cập nhật quy hoạch dạng nút giao và tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu.

Trục Xa lộ Hà Nội sẽ được giải phóng lưu lượng xe lớn

Khi đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu hoàn thành, xe tải, xe container rời cảng Cát Lái sẽ thông qua đường này, nối thẳng lên đường Vành Đai 3, rồi di chuyển về các khu vực, không phải chạy vòng vào Xa lộ Hà Nội để vào Quốc lộ 1A đi về các tỉnh thành như hiện nay.

Tương tự, ở chiều đi vào cảng, các phương tiện trọng tải lớn từ các khu vực của TP.HCM và các tỉnh sẽ không còn phải đi vào Xa lộ Hà Nội để nối đến các tuyến đường vào cảng là Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định như hiện nay. Thay vào đó, các xe di chuyển thẳng từ đường Vành Đai 3, Vành Đai 2 nối vào đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu để đến cảng.

Xa lộ Hà Nội sẽ giảm mạnh xe, khu Đông được 'chắp thêm cánh'- Ảnh 2.

Đường Xa lộ Hà Nội nối liền đường Võ Nguyên Giáp là trục giao thông cửa ngõ của TP.HCM

Sự liên kết đồng bộ trong đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gắn với các cụm cảng lớn sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển nền kinh tế nhanh hơn. Không chỉ có vai trò quan trọng trong giao thông của TP.HCM, mà tuyến đường liên cảng còn tác động đến kế hoạch đầu tư các dự án của các tỉnh lân cận TP.HCM. Như phân tích của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai tuyến đường liên cảng hình thành thì mới tránh được ùn tắc giao thông ở đường Nguyễn Thị Định khi xây dựng cầu Cát Lái. Vì vậy, thời gian khởi công dự án cầu Cát Lái phụ thuộc vào tiến độ TP.HCM xây dựng đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu.

Bám sát lợi thế về địa lí, cụ thể là trên địa bàn TP Thủ Đức hiện có nhiều cảng lớn như Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ,… đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, đồng thời còn là vị trí là cửa ngõ của TP.HCM, thế cho nên tới đây, TP Thủ Đức sẽ quy hoạch phát triển 4 trung tâm logistics trong tương lai.

Có thể thấy, tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu được đầu tư không chỉ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường hướng về cảng là Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, mà còn tạo thuận lợi để TP.HCM phát triển hơn nữa lĩnh vực logistics, từ đó mở ra thêm cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề, trong đó nhà ở được đánh giá là thụ hưởng lợi thế lớn.